Gỡ khó quy định phòng cháy, chữa cháy

Những năm qua các vụ hỏa hoạn diễn biến phức tạp, nhất là tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán karaoke... Một số vụ làm chết nhiều người như vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương khiến 32 người tử vong và hàng chục người bị thương, vào tối 6/9/2022.

Tình hình đó đặt ra yêu cầu làm rõ nguyên nhân và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Trong thực tế, như công điện số 220 ngày 5/4 vừa qua của Thủ tướng đã nêu rõ, thời gian qua các bộ ngành, địa phương, nhất là Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, kiềm chế và giảm cả ba tiêu chí về số vụ, thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra.

Tuy nhiên, gần đây nhiều người dân, doanh nghiệp đã phản ánh về những bất cập trong các quy định phòng cháy chữa cháy. Cũng tại công điện số 220, với tinh thần đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đồng thời phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan rà soát chính sách, pháp luật về lĩnh vực này để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh cải cách, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội…

Gỡ khó quy định phòng cháy, chữa cháy - 1

Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Ảnh minh họa: Công an tỉnh Thanh Hóa).

Ở đây, qua nghiên cứu quy định hiện hành về phòng cháy, chữa cháy, nhất là tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 2622:1995 về phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình và TCVN 4513:1988 về cấp nước, cũng như căn cứ từ thực tiễn, người viết bài này xin nêu một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy mới ban hành áp dụng với công trình hiện hữu như thế nào?

Thực tế hiện nay, một cơ sở kinh doanh hiện hữu có giấy phép phòng cháy chữa cháy thỏa mãn các quy định cũ, phải sửa đổi để đáp ứng các yêu cầu của quy định mới. Tuy nhiên, nhiều những công trình đã có kết cấu bê tông chắc chắn, hoặc thi công hết phần đất xây dựng, nếu chỉnh sửa để tuân thủ những quy định mới được ban hành tại Nghị định 136 sẽ phát sinh nhiều trục trặc. Như là phải chỉnh sửa cả kết cấu ngôi nhà mà chủ nhân lo ngại có thể làm suy giảm tuổi thọ. Như là lắp thêm những đường ống dẫn nước để giúp khả năng dập tắt đám cháy khi xảy ra hỏa hoạn cũng cần đục bê tông để dẫn ống nước vào từng tầng, từng phòng trong căn nhà làm suy yếu kết cấu.

Hoặc do không còn đất phía sau nhà nên nếu chủ cơ sở làm thêm cầu thang thoát hiểm phía trước sẽ mất tính thẩm mỹ, thậm chí có thể mất an ninh do trộm cắp trèo leo. Hoặc cần gia cố khung sắt đặt thêm bồn chứa nước trên nóc nhà khiến đe dọa khung và sàn bê tông của căn nhà. Một khối nước có khối lượng là một tấn thì căn nhà sẽ phải chịu tải thêm tải trọng tương ứng, có quy định căn nhà cần đặt bể chứa lên đến hàng chục hay hàng trăm khối nước thì tải trọng chất lên hệ thống kết cấu căn nhà cũng vì thế mà tăng lên đe dọa đến sự ổn định của căn nhà.

Thực tế rất nhiều căn nhà hiện hữu hoặc đã xuống cấp, hoặc khi thiết kế thi công đã không tính toán đến những phát sinh kể trên, nên ngoài việc chi phí tuân thủ tăng thì việc đáp ứng yêu cầu sẽ ảnh hưởng đến kết cấu căn nhà tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho những người sinh sống trong đó.

Ở đây, tôi cho rằng công trình hiện hữu nào đã quá xuống cấp không thể đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy thì sẽ không được xét duyệt, vì thực tế các công trình đó đã không an toàn với người sử dụng. Tuy nhiên với các công trình khác thì cần nghiên cứu cách thức như tinh thần công điện 220 đã đề ra, đó là  đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đồng thời phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, vật liệu thi công các công trình phòng cháy, chữa cháy đòi hỏi đáp ứng quy định về chống cháy như là chịu nhiệt đến bao nhiêu thời gian. Tuy vậy ngay cả chủ đầu tư mong muốn tuân thủ cũng rất khó biết được vật liệu ấy thực tế có đáp ứng yêu cầu hay chưa? Hoặc khi phải kiểm tra thì các bên liên quan sẽ đánh giá như thế nào? Nói khác đi những quy định này khó khả thi.

Điều này không chỉ làm gia tăng chi phí xây dựng mà còn tăng thời gian kiểm tra thẩm định và giám sát thi công dẫn đến nhiều khả năng người dân, doanh nghiệp chậm đưa công trình vào sử dụng làm suy giảm lợi thế kinh doanh hay thỏa mãn nhu cầu sinh sống.

Đây là vấn đề rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét, tránh hiện tượng như một số doanh nghiệp gần đây phản ánh là "chi phí làm phòng cháy, chữa cháy cao hơn xây nhà xưởng".

Thứ ba, các quy định phòng cháy, chữa cháy hiện nay áp cho cả nhà dân sinh, vì số lượng nhà dân sinh rất lớn nên đặt ra vấn đề về khả năng kiểm tra, giám sát tính tuân thủ của người dân.

Cơ quan chuyên môn chắc chắn không đủ nhân lực và thiết bị để kiểm tra, đánh giá tính tuân thủ từng căn nhà của từng người dân, dẫn đến nguy cơ những quy định này trở thành "đánh trống bỏ dùi". Thiết nghĩ việc phòng cháy, chữa cháy với nhà dân sinh là cần thiết, nhưng cần được thiết kế để đảm bảo tính khả thi.

Hiện tượng trốn, tránh tuân thủ các quy phạm có thể xảy ra khi thực tế đã có nhiều căn nhà hỗn hợp vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh vừa cư trú. Nếu giữ nguyên chiều cao, chủ nhà sẽ phải tuân thủ quy định cao hơn do cấp huyện, thành phố quản lý, còn nếu giảm chiều cao thì được đặt dưới sự giám sát của phường, xã, nên họ chủ động cắt xén bớt chiều cao, co giảm thể tích căn nhà để áp vào những tiêu chuẩn thấp hơn do phường, xã quản lý.

Những trường hợp này phần nào gây suy giảm điều kiện sống của người dân, cũng như thu hẹp các cơ sở kinh doanh làm giảm hiệu quả kinh tế và suy giảm hệ thống miễn dịch do phải sử dụng diện tích nhỏ hẹp.

Ở đây xin nhắc lại câu chuyện "đánh thuế cửa sổ" từng tồn tại ở Anh. Năm 1696, các nhà làm luật của Anh cho rằng người giàu thường sống trong những căn nhà to hơn, có nhiều cửa sổ hơn, vì vậy cần đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Họ quyết định ban hành quy định thu thuế dựa trên số lượng cửa sổ của những căn nhà mà người dân cư trú. Tuy vậy, quy định như thế nào là cửa sổ lại không được định nghĩa rõ ràng, dẫn đến người thu thuế quan sát căn nhà chỉ cần thấy có lỗ hổng lập tức tính là cửa sổ để tính thuế, trong nhà nhiều hay ít người cũng không được tính đến.

Quy định đó dẫn đến sự phản ứng của người dân đối với chính sách. Họ xây bịt kín các ô thoáng, các cửa sổ và chủ những căn hộ cho thuê lập tức lợi dụng thuế cửa sổ để tăng giá tiền thuê nhà. Điều này dẫn đến hệ quả là sức khỏe của người dân đi xuống, bệnh dịch như đậu mùa, sốt phát ban… và những căn bệnh dễ bị lây lan gia tăng, trong khi đó những người nghèo khó chịu nhiều thiệt hại hơn vì họ phải sinh sống trong những căn phòng không cửa sổ bí bách với chi phí thuê nhà cao hơn.

Cuối cùng nước Anh đã phải bãi bỏ "thuế cửa sổ", ví dụ trên cho thấy rằng, nếu một quy định, hay một chính sách khi ban hành không đánh giá kỹ càng tác động đối với các bên liên quan thì có thể giúp cho lợi ích của bên này lớn hơn nhưng lợi ích của bên khác bị thu hẹp lại. Một chính sách tốt là một chính sách giúp tổng lợi ích xã hội phải đạt mức cao nhất.

Một chính sách mà các bên liên quan không có khả năng thực thi hay tuân thủ, đều có khả năng trở thành những rào cản của xã hội và dẫn đến hậu quả làm suy giảm tính tuân thủ luật người dân.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, chúng ta hướng đến những tiêu chuẩn cuộc sống ngày càng cao hơn, tuy nhiên việc áp ngay các tiêu chuẩn châu Âu vào những căn nhà hiện tại, những quy hoạch hiện tại sẽ đặt ra các yêu cầu không dễ dàng. Quy định liên quan đến người dân, doanh nghiệp đều cần tính đến khả năng thực thi, khả năng tuân thủ của người dân.

Trở lại với công điện 220 của Thủ tướng về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, mong rằng thời gian tới hành lang pháp lý lĩnh vực này sẽ phù hợp hơn, không còn tình cảnh quy định "như trên trời rơi xuống" và không tạo thành trở lực trong phát triển kinh tế.

Nguồn: https://dantri.com.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/phongchaybaoduy

PCCC BẢO DUY

PCCC BẢO DUY

PCCC BẢO DUY